Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Ý nghĩa Lịch sử Nhà Thờ Nam Lỗ 1911-2011

NHÀ THỜ NAM LỖ
(1911-2011)

Không biết mảnh đất miền quê thân thương này hình thành một trại dân cư từ bao giờ. Cũng không biết rõ hạt giống Đức Tin gieo vào đây buổi đầu như thế nào.
Xa quá. Không ai ghi chép!
Nhà thờ Nam Lỗ 05/2011. Photo|jHr
Tiền nhân trong xứ kể lại rằng: lúc đầu có mấy anh em vùng mỏ Hòn Gai đến đây cư ngụ. Các ông đã làm một nhà để thờ ông thánh An-tong. Lúc đầu có 5 gia đình có Đạo. Sau một thời gian được12 gia đình. Ngôi nhà thờ thứ hai được làm nên. Nền Nhà thờ này sau làm nền Nhà Hội Quán, và nay là nền Đài Đức Mẹ.
Thời gian đắp đổi, hạt giống Đức Tin âm thầm mọc lên thế nào hôm nay chẳng ai hay biết. Chỉ biết rằng năm 1722, nơi đây đã hình thành một họ giáo. Họ Sổ thuộc về xứ Sa Cát.

Cũng như bao cộng đoàn họ đạo khác, họ Sổ trải qua biết bao thăng trầm. Khi bình an thịnh vượng, lúc gặp thử thách gian nan. Nhất là khi sự Đạo bị cấm cách bắt bớ, mà đỉnh cao là thời vua Tự Đức. Hàng trăm người con của họ giáo này bị phát lưu, tài sản bị tước đoạt, gia đình phải chia ly. Nhiều người đã được phúc Tử đạo. Trong số đó đã có 6 vị có đầy đủ hồ sơ đang được cứu xét để phong Chân phước. Đó là các Hiền phúc: Linh mục Vinhsơn Trí, Thầy Đaminh Chiêu, ông Vinhsơn Quỳnh, ông Đaminh Đệ, ông Phêrô Quân và ông Đaminh Đán.

Nhờ những hy sinh gian khổ của tiền nhân, nhất là máu đào của các Đấng Tử đạo đã đổ xuống mà cộng đoàn tín hữu nơi đây phát triển. Để một ngày kia, ngày 17-8-1908, Đức cha Trung đã chọn nơi này làm Nhà thờ mẹ của một Giáo xứ mới. Giáo xứ Nam Lỗ.

Nhà thờ Nam Lỗ 2008. Photo|AMY
Từ đây một trang sử mới được mở ra.
Cha xứ tiên khởi, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Trứ, bắt đầu đến ở với Tân giáo xứ. Cha con bắt tay vào việc xây dựng Nhà Chúa. Ngôi Nhà thờ Giáo xứ được khởi công. Ban hàng xứ được thành lập. Ông Chánh Lựu làm chánh trương, ông trùm Phúc làm trùm họ, rồi đến ông trùm Thuân làm trùm chánh, ông trùm Hinh làm trùm phó. Các vị này chịu trách nhiệm đốc công trong việc xây cất nhà thờ.

Các cụ kể lại rằng: khi xây nhà thờ, họ Nhà xứ chia ra làm 4 giáp, đắp 4 lò gạch, dự tính đốt 60 vạn viên gạch và 18 vạn viên ngói. Lúc đó gạch ngói hoàn toàn đốt bằng rơm rạ. Ông trùm Hinh được giao trách nhiệm về việc làm gạch ngói. Ông trùm Thuân phụ trách chung. Các lò gạch này làm tại bờ sông, cách nhà thờ chừng 500m. Vận chuyển gạch về nhà thờ bằng sức người gồng gánh.
Khi gạch ngói đầy đủ thì tiến hành đào móng. Chiều dài móng nhà thờ 40m, chiều ngang 16m. Cát xây nhà thờ mua tại làng Quang Lang, huyện Tiền Hải. Vôi mua tại Quảng Ninh. Bồng đá và gỗ lim mua tại Thanh Hoá.

Ngôi nhà thờ được khánh thành năm 1911, với lối kiến trúc Á Đông rất vững chắc, hài hòa và giầu ý nghĩa.
Bốn mươi mét chiều dài, chia thành chín gian. Hai hàng cột, ba vòm cuốn vành mai. Bảy vì gỗ chạm trổ hoa văn. Bốn trùng tường, hai mái hiên quyện thông nhau qua gian tháp chuông như tiền sảnh cuối nhà thờ. Hai mái ngói trải rộng đến tận giọt gianh. Mặt tiền nhà thờ và tường xung quanh bên ngoài với những vòm cuốn và hoa văn, đường nét hài hòa tạo thành một tổng thể thống nhất.
Ngai tòa Nam Lỗ 2007. Photo|AMY
Phải chăng 40 mét của chiều dài nhà thờ nhắc nhớ tới con số 40 năm trong sa mạc của Dân Chúa ngày xưa. Chín gian lớn nhỏ, phải chăng gợi chín tầng trời theo cái nhìn của người Á Đông, chốn cửu trùng. Ba vòm cuốn trong lòng nhà thờ cũng nhiều ý nghĩa: Thiên Chúa Ba Ngôi, ba nhân đức đối thần Tin Cậy Mến hướng về và dành cho một mình Thiên Chúa. Bảy vì gỗ chạm trổ cũng không kém phần ý nghĩa. Con số 7 trong Kinh Thánh thật là đẹp: Bảy ngày trong chương trình tạo dựng, một tuần lễ 7 ngày. Bốn trùng tường tạo thành hai hàng hiên nối liền với nhau qua tiền sảnh như muốn nói lên: trong Chúa bốn bể đều là anh em, “tứ hải giai huynh đệ giã”. Gian tiền sảnh với một tháp chuông và 5 cửa rộng mở như muốn đón mời con cái Chúa từ khắp năm châu tiến vào Nhà Chúa. Mặt khác như muốn nhắc nhớ con cái Chúa từ Nhà Chúa ra về hãy đến với muôn dân. Gian tiền sảnh như một nhắc nhở sự chuẩn bị cho người vào Nhà Chúa: hãy chuẩn bị tâm hồn để vào gặp gỡ Thiên Chúa ngự nơi đây. Khi ra về cũng hãy nhớ bổn phận trong cuộc sống. Nhất là bổn phận LOAN BÁO TIN MỪNG. Ngọn tháp cửa nhà thờ như một ngọn núi vững chắc trong niềm tin hướng về trời cao. Sau cùng hai mái ngói trải rộng như một sự che chở từ trời cao, “như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”, như máng thông ơn trời xuống trần gian.

Nhà thờ này dâng kính Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa. Bốn chữ Hán Đại Tự: “THIÊN CHÚA THÁNH MẪU” trên vách vòm gian Cung Thánh nói lên điều đó. Trên vòm cửa chính Nhà Thờ có Biểu tượng Triều Thiên Đức Me. Phía dưới có câu Kinh Thánh bằng tiếng Latin, đại ý “Ngôi sao xuất hiện từ Nhà Giacob, Anh sáng của nó đã chiếu sáng khắp thế gian”.

Nhà thờ Nam Lỗ 2005. Photo|JosDung
Tuy nhiên, cùng với thời gian năm tháng, nội thất ngôi thánh đường dần dần được hoàn bị. Nhưng đồng thời cũng bị thay đổi một phần hình dạng và cấu trúc.
Bàn tòa ban đầu được làm bằng vôi vữa, đắp vào tường đầu nhà thờ. Thời cha Thôma Vũ Nguyên Sùng coi sóc (1929-1935) mới làm tòa, sắm tượng trong Nhà thờ.
Năm 1948, thời cha cố Đoàn, mua được 3 quả chuông và đóng ghế lim trong nhà thờ.
Năm 1990, cắt sửa gian thánh, làm hai mái hiên bê tông.
Năm 1994, Lát gạch men nền nhà thờ với sự hỗ trợ của Cố Vượng ở Úc.
Năm 1998, tháo dỡ hai bên hiên nhà thờ, cắt ngắn mái ngói và làm mái bê tông, bỏ một trùng tường, đưa cửa ra ngoài. Năm đó sơn son thiếp bạc các tòa trên cung thánh.
Năm 2001, đóng 20 ghế dài,
Năm 2003, sửa nền cung thánh,
Năm 2007, để chuẩn bị cho 100 năm thành lập Giáo xứ, đóng thêm 40 ghế mới.
Đầu năm 2008, làm Bàn lễ mới, tân trang phục chế vỏ áo nhà thờ. Vo tròn hai hàng cột bê tông bên trong nhà thờ.
Năm nay, 2011 kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà thờ, hoàn bị phần vòm, vách gian đầu cung Thánh.


Tháp chuông 2008.
Thoáng nhìn lại quá khứ, chúng ta thầm cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, cảm phục và tri ân các bậc tiền nhân, cảm ơn quý ân nhân qua mọi thời đại, người còn sống cũng như đã qua đời. Nguyện xin Chúa trả công bội hậu cho quý đấng bậc, các bậc tiền bối, quý ân nhân của chúng ta.
Ước mong dịp Đại phúc này, sẽ là cơ hội nhắc nhở con dân Nam Lỗ từ khắp mọi phương trời, luôn nhớ tới và bảo tồn gia sản quý giá này. Nhất là bảo toàn gia sản đức tin và tinh thần đạo đức mà cha ông đã để lại.

Hy vọng một ngày mai tương lai đầy hứa hẹn trên quê hương này. Amen!


(đang hoàn thiện)
Lm. Đaminh Nguyễn Văn Quát
Nam Lỗ, ngày 13 tháng 5 năm 2011


http://www.gxnamlo.org/jl/namlo/soluogxnamlo/395-ynghialsntnl.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

----------------------------------------------------------
Nam Lo Parish - TB Diocese:

+About: https://about.me/giaoxunamlo
+Blog1: https://giaoxunamlo.blogspot.com
+Blog2: https://giaoxunamlo.wordpress.com/
+Tumblr: http://giaoxunamlo.tumblr.com/
+facebook: http://www.facebook.com/pages/NamLo-Parish/97778438684
+twitter: http://twitter.com/giaoxunamlo
+youtube: http://www.youtube.com/user/giaoxunamlo

Nam Lỗ Giáo Xứ - NamLo Parish - NamLo Church.
________