Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Niềm vui về với quê hương Nam Lỗ dịp mừng 100 năm Thánh Đường [Video]

Niềm vui về với quê hương Nam Lỗ dịp mừng 100 năm Thánh Đường [Video]

Niềm vui về với quê hương Nam Lỗ dịp mừng 100 năm Thánh Đường.

Đường chào mừng. Photo|Zjc_zac
Năm nay là một năm rất đặc biệt với Giáo xứ Nam Lỗ, mặc dù giáo xứ nhỏ bé, ít người, tất cả mọi thứ và hạn chế về mặt kiến thức cũng như kinh tế. Thời gian gần đây, Cha xứ, HĐMV đã cố gắng hướng cho con em mình chịu khó học tập giáo lý, kinh bổn cũng như văn hóa, để mong sao thế hệ trẻ của Nam Lỗ tương lai sẽ có kiên thức để làm hành trang cho mình, là hạt nhân cho giáo xứ cũng như giáo hội.

Hội khuyến học được thành lập với mục đích đó, và đã có nhiều người yêu mến thế hệ trẻ quê hương hằng theo dõi đầu tư và khích lệ... Đánh dấu là có 10 lớp giáo lý với số lượng GLV và các em theo học đầy đủ. Các em đậu trung học và đại học dần một tăng so với trước đây... Giới trẻ huynh trưởng đã có những công việc phục vụ cụ thể trong giáo xứ; nhằm đẩy dần lên thói quen cộng đồng mục vụ, và cũng là chỗ để cho các anh chị em được thể hiện sức trẻ của mình.

Các khâu trang trí, hệ thống điện sáng, văn nghệ, cử điệu, hoạt viên linh hoạt dần dần chuyên nghiệp và thấy rõ được sự nhiệt tình của mỗi người... Không những vậy đã nề nếp hơn về tác phong, cầu nguyện cũng chịu khó dần lên... Chỉ theo dõi riêng trong dịp mừng kỷ niệm 100 xây dựng ngôi Thánh đường, đã thấy rõ sự nhiệt tình của mỗi người.. Anh chị em đã chủ động liên lạc với nhau để lên những khung tiết mục, nhiều anh chị em đã liên tục dành những thời gian nghỉ học để về tham gia các tiết mục cũng như giúp giáo xứ được việc gì đó. Khi nghe tin tiết mục đó bị cắt đi, không được diễn, nhiều bạn trẻ đã khóc vì tiếc nuối... Điều này thể hiện sự nhiệt tình chưa bao giờ có, chưa bao giờ thấy được từ tinh thần của giới trẻ Nam Lỗ. Các công việc rất hăng say và mong muốn được tham gia dù chỉ vài cử điệu nhỏ, luôn mong được làm sôi động không khí tại quê hương.

Quê hương dấu yêu. Photo|jHr
Thực tại kinh tế của quê nhà để làm những chương trình đồ sộ, rầm rộ là điều rất khó vì vốn kinh tế rất eo hẹp, giới trẻ tự đóng góp, các em huynh trưởng thì đi xin.. cây nhà lá vườn có sao làm vậy... Nhưng điều đánh dấu hơn hết là sự nhiệt tình và rất hăng say tham gia, vì thế mà các tiết mục cũng như một số chương trình quê nhà tổ chức nhiều quý vị cũng tạm chấp nhận theo dõi.. Thực ra đó là hương điệu của quê hương, những hình ảnh đó, những con người đó ngày ngày chân lấm đầu trần lo việc đồng áng nhưng cũng có thể biến đổi trên sân khấu quê nhà, mang đậm vẻ quê... đây cũng là điều mà nhiều người đi xa muốn được nhìn thấy, và tận hưởng... âm hưởng của quê hương.

Quê hương luôn đơn sơ và mộc mạc.. và tất thảy cũng đều chỉ cố gắng có thể mang được hơi thở của quê nhà tới muôn người, những vẻ mộc mạc của quê hương luôn là một món ăn không mấy thú vị vì nó không sầm uất, nhưng nó lại rất êm đềm và luôn nhắc nhớ mỗi người "Quê hương là chùm khế ngọt..."

Niềm vui gặp gỡ. Photo|joBV
Một niềm vui lớn lao đón đợi từ lâu ngày hội ngộ, giờ đây. Phái đoàn Hải Ngoại, Đồng hương Miền Nam Việt Nam đã về đến quê hương. Đoàn xe cũng đã về đến nơi an toàn, đoàn đi bằng phi cơ cũng đã về đến quê hương. Mọi người đã đi thăm hỏi một số gia đinh người thân, một số giáo dân đã đến chúc mừng. Chú Hoàng (Vũng Tầu) tâm sự, chú rất thích đi bộ trên cánh đồng lúa quê hương mượt mà nắng gió, đi chậm để thưởng thức một khung cảnh thanh bình, để tận hưởng sự thoáng đãng, êm đềm đến lạ thường. Mặc dù các điều kiện về tiện nghi thì quê hương cũng chưa được như các thành phố, nhưng không khí thì quá là tuyệt vời, điều đặc biệt là được đi trên mảnh đất mà mình đã sinh ra, bao lâu nay chỉ tưởng tượng qua ký ức và một số hình ảnh trên mạng. Giờ đây được ở tận nơi, được gặp nhiều người lạ hoắc mà người ta không biêt tên mình nên gọi với cái tên thân mật, quý Ông đồng hương...

Nam Lỗ, Đặc biệt là thời gian gần đây, số anh chị em đi học tăng lên, hơn thế nữa đã tham gia các nhóm SVCG, cái nôi để phát triển và giữ vững đời sống đức tin nơi học đường, nơi mà cuộc sống có cộng đoàn, nơi mà mỗi người dần hoàn thiện và học được những kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt nhất định. Chính vì thế năm nay Giáo xứ sẽ có dịp được đón tiếp hai nhóm SVCG về với quê hương nhỏ bé để tham gia một số tiết mục, để cùng giới trẻ Nam Lỗ thắp lên quyết tâm học hành, và hăng say phụng vụ.
SVCG Thái bình sẵn sàng. Photo|Chip's
Nhóm sinh viên Công Giáo Thái Bình Hà Nội, trong sự tham gia nhiệt tình của Trần Ước (Lác Trại - Nam Lỗ), vì thế các bạn cũng vì yêu mến quê nhà, yêu mến bạn bè mình sẽ cử đoàn về tham dự mừng dịp kỷ niệm này. Đã từ lâu các bạn đã biết người bạn của mình lớn lên nơi đây, muốn một lần về thăm và giúp sức, tham gia các tiết mục... dự kiến chiều ngày thứ 6 đoàn khoảng 20 bạn sẽ về tới Nam Lỗ.
Nhóm SVCG Hải Hà (Hải Phòng & Hà Tây), nhóm mà có ít nhất 3 anh chị em của Nam Lỗ đang sinh hoạt tại đây, ngoài ra rất nhiều anh chị em của Nam Lỗ cũng tham gia SVCG Hải Phòng khi học tại Hải Phòng, tham gia nhóm SVCG Thạch Bích khi học tại Hà Tây... Cũng chính vì tình cảm vốn có theo thời gian này mà SVCG Hải Hà đã đăng ký tham gia một tiết mục văn nghệ, và sẽ sinh hoạt lửa trại tại quê nhà. Không phải anh chị em về Nam Lỗ vì chương trình được tổ chức quá hoành tráng sầm uất, vì thực tế Nam Lỗ một giáo xứ rất đơn sơ, đượm chất quê và cũng vì muốn về thăm quê hương của anh chị em mình đã hàng ngày từng sống với nhau, thăm giáo xứ của nhau cũng là một cách để thể hiện tình cảm của mình với những người thân thuộc như thăm chính gia đình vậy.
Một điều đặc biệt nữa là sẽ có một ca đoàn Gabriel của SVCG sẽ hát chính trong một Thánh Lễ trong tuần Đại Phúc - Tuần Chầu của Giáo xứ, ca đoàn hợp xướng. Đây cũng là một cách mà có thể tiếng hát và sự nhiệt tình của các bạn sẽ nâng lên tinh thần ca đoàn Giáo xứ hiện đang chưa được mạnh. Và cũng là để được tham gia, giúp giáo xứ trong dịp này bằng lời ca tiếng hát ca vang tình yêu Chúa. Hiện tại khoảng 20 anh chị em ca đoàn đang hăng say tập luyện gấp rút để về hát lễ tại Nam Lỗ thứ Bảy tới đây. Đây là một vinh dự lớn với quê hương khi được đón tiếp các bạn về tham gia phụng vụ trong dịp toàn dân xứ hướng lòng tạ ơn và tri ơn này.
Ca đoàn Gabriel tập hát về NL. Photo|Baccomz
Hiện tại hai nhóm SVG Thái Bình và Hải Hà đã chuẩn bị các tiết mục sẵn sàng để về tham gia với Nam Lỗ. Hy vọng có sự có mặt của các bạn sẽ làm rôm thêm bầu không khí hân hoan tạ ơn và tâm tình tri ân của mỗi người con Nam Lỗ. Hy vọng sự có mặt này mà nhiều các em thiếu nhi của Nam Lỗ thấy được đó là một sự cần thiết để cố gắng học tập noi gương các anh chị để tìm kiếm kiến thức cho mình và có khả năng giúp đỡ quê hương Nam Lỗ ngày càng phát triển về chất cũng như lượng, về đời sống đức tin hăng say phục vụ cũng như những phong trào nhằm phát triển giáo xứ tương lai.

Ghi nhận từ quê nhà! Hiện tại các ban ngành đã ổn định. Toàn bộ hệ thống điện sáng và trang hoàng diện mạo Thánh Đường đã được giới trẻ hoàn thành, Bây giờ tất cả giáo xứ đang trong tuần Tĩnh tâm - Chầu Thánh Thể, mang tâm tình cảm mến tri ân, và cầu nguyện cho quê hương. Một sự kiện lớn thứ hai sau dịp mừng Bách chu niên Thành Lập Giáo xứ năm 2008, và giờ đây mừng ngôi Nhà thờ 100 tuổi. Đền đài nuôi dưỡng đức tin của biết bao người con đã từng lớn lên tại nơi này... vẫn hiên ngang như bảo chứng niềm tin nơi cộng đoàn, vẫn mạnh dần lên và phát triển theo thời gian. Những hoa quả mà tiền nhân, quý ân nhân đã gây dựng vẫn tốt tươi và đã ươm mầm hoa trái nơi mảnh đất mênh mông biển lúa này.

Ca vang cảm tạ ngợi khen Chúa! Đã luôn giữ vững và ban nhiều hồng ân trên một vùng quê mà Ngài đã chọn để dựng nên Ngôi đền thờ, ngọn tháp vươn cao, loán báo ơn cứu độ.

Video Quang cảnh ngày + đêm tại Nam Lỗ, ngày 17/05/2011
(Quý vị nhấn Play, xem hình ảnh)


Những hình ảnh lung linh đêm Nam Lỗ, khuôn viên Thánh Đường

Video một số công tác chuẩn bị tại Nam Lỗ
(Quý vị nhấn Play, xem hình ảnh)


Ký sự một số công tác chuẩn bị mừng kỷ niệm Nhà thờ Nam Lỗ, 100 tuổi

Video Thánh Lễ khai mạc.

Nhấn play để xem

+ Toàn bộ kho hình ảnh công tác chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm Nhà thờ đã cập nhật tại kho BCNXD.11 (click).
(Quý vị xem ngay Album trên đây, sau đó quý vị Click vào hình để xem).

http://www.gxnamlo.org/jl/tlnl-tlgxvietvnl/400-niemvuivoinamlo100nt.html
Truyền thông Nam Lỗ,

Tin tức và cảm nhận.

Lịch sử Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới - Quốc Tế Giới Trẻ WYD

Lịch sử Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới - Quốc Tế Giới Trẻ WYD

Lịch Sử Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới - Quốc Tế Giới Trẻ WYD

WYD
Logo Đại Hội Giới Trẻ - World Youth Day, các kỳ

Quá Trình Tổ Chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
Các Đại Hội Giới trẻ đã được tổ chức cho đến ngày nay.
ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI là cuộc HỘI NGỘ rất quan trọng cho Giới Trẻ trong thế giới đầy biến động ngày nay.

Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã đề cập đến Đại Hội Giới Trẻ trong Bài Giảng của Ngài vào Thánh Lễ buổi sáng ngày 20/4/2005 (ngay ngày hôm sau khi được bầu chọn lên Ngôi Giáo Hoàng) như sau: “Tôi đặc biệt nghĩ đến GIỚI TRẺ, là những người đã được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt lưu tâm đối thoại với họ. Tôi gửi đến các bạn trẻ lòng âu yếm mến thương... Tôi muốn tiếp tục đối thoại với các bạn, lắng nghe các ước vọng của các bạn, trong niềm hy vọng tôi sẽ giúp được các bạn gặp gỡ Chúa Kitô luôn sống động và trẻ trung...”

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng từ ngày Chúa Nhật Lễ Lá (15-4-1984) Năm Thánh Cứu Độ 1984 tại Rôma. Sau đó, năm 1985 (Năm Liên Hiệp Quốc tuyên bố là “Năm Giới Trẻ”), vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (31/3/1985), tại Công Trường Đại Thánh Đường Thánh Phêrô (Rôma), trước khoảng 300,000 ngàn bạn trẻ có mặt hôm đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố thành lập “Ngày Giới Trẻ Thế Giới”.

Từ ngày đó, đã có những tổ chức Ngày Đại Hội Giới Trẻ theo từng Giáo phận mỗi năm một lần thường vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (mở đầu Tuần Thánh); còn Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thừờng được tổ chức 3 năm một lần tại các địa điểm khác nhau trên thế giới. Mỗi Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận hay Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đều có một Chủ đề (Theme) để các bạn trẻ học hỏi. Vào Ngày Đại Hội, các bạn trẻ sẽ hân hoan gặp gỡ nhau, cầu nguyện, vui chơi, và hội thảo để trao đổi với nhau các kinh nghiệm sống thuộc các nền văn hoá khác nhau, để xây dựng bản thân, đời sống đức tin, và cùng nhau tìm ra những phương thức thực hành Đức Tin và Đức Bác ái giữa thế giới hôm nay. Khi ra về các bạn trẻ sẽ cố gắng để xây dựng một tương lai tốt đẹp và phong phú hơn cho chính mình, cho gia đình, cho tổ quốc và xã hội.

Sau đây là những Đại Hội Giới Trẻ đã được tổ chức
(Tài liệu lấy trong: World Youth Day-Wikipedia, the free encyclopedia. Số người tham dự được tính theo số người trong Thánh Lễ Bế mạc mỗi Đại Hội).
- Đại Hội Giới Trẻ đầu tiên đã được tổ chức Tại Rôma (ngày 15/4/1984); số tham dự: 300,000; chủ đề: “Năm Thánh Cứu Độ”.
- Lần thứ hai cũng tại Rôma (ngày 31/3/1985); số tham dự: 300,000; chủ đề: “Năm Giới Trẻ Thế Giới” (do Liên Hiệp Quốc đề xướng để đề cao vai trò của giới trẻ trên thế giới).
- Năm 1986 (ngày 23/3): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về Niềm Hy vọng của anh em” (1 Phêrô 3:15).
- Năm 1987 (ngày 11-12/ 4): Đại hội Giới trẻ tòan thế giới tại Buenos Aires, thủ đô nước Argentina; số tham dự: 900,000. Chủ đề: “Chúng ta đã nhận biết Tình yêu Chúa nơi chúng ta và chúng ta đã tin vào Tình yêu ấy” (1 Gioan 4:16).
- Năm 1988 (ngày 27/3): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Ngài bảo các anh làm gì, các anh cứ làm theo như vậy” (Gioan 2:5).
- Năm 1989 (ngày 15-20/ 8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Santiago de Campostella, Bồ Đào Nha; số tham dự: 400,000. Chủ đề: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là sự Sống" (Gioan 14:16).
- Năm 1990 (ngày 8/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Thày là cây nho, các con là ngành nho” (Gioan 15:5).
- Năm 1991 (ngày 10-15 tháng 8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Czestochowa, Ba Lan; số tham dự: 1,600,000. Chủ đề: “Chúa Thánh thần làm cho anh em trở nên con cái Chúa” (Rôma 8:15).
- Năm 1992 (ngày 12/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng” (Mátcô 16:15).
- Năm 1993 (ngày 10-15/8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ; số tham dự: 500,000. Chủ đề: “Ta đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào" (Gioan 10:10).
- Năm 1994 (Ngày 27/3): Ở mỗi Gíao Phận. Chủ đề: “Như Chúa Cha đã sai Thày, Thày cũng sai các con.” (Gioan 20:21).
- Năm 1995 (ngày 10-15 /1): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Manila, Thủ đô Phi Luật Tân; số tham dự: 5,000,000; đây là một cuộc tập họp đông đảo nhất trong lịch sử nhân loại). Chủ đề: “Như Chúa Cha đã sai Thày, Thày cũng sai các con” (Gioan 20:21).
- Năm 1996: Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Thưa Thày, bỏ Thày chúng con biết theo ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68).
- Năm 1997 (ngày 19-24/8): Đại Hội Giới Trẻ thế giới tại Paris, Thủ đô nước Pháp; số tham dự: 1,200,000.Chủ đề: “Thưa Thày, Thày ở đâu? - Hãy đến mà xem” (Gioan 1:38-39).
- Năm 1998 (Ngày 5/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng con mọi điều” (Gioan 14:26).
- Năm 1999 (ngày 28/3): Ở mỗi Giáo phận. Chủ đề “Chúa Cha yêu mến chúng con” (Gioan 16:27).
- Năm Thánh 2000 (ngày 15-20/8): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Rôma; số người tham dự: 2,000,000. Chủ đề: “ Ngôi Lời đã làm nguời và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14)
- Năm 2001 (ngày 8/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Ai muốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác Thánh giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Luca 9:23).
- Năm 2002 (ngày 23-28/7): Đại Hội Giới Trẻ thế giới tại Toronto, Canada; số tham dự: 800,000. Chủ đề: “Các con là Muối cho đời… Các con là Ánh sáng cho trần gian” (Mattheu 5:13-14).
- Năm 2003 (Ngày 13/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Đây là Mẹ con” (Gioan 19:27).
- Năm 2004 (Ngày 4/4): Ở mỗi Giáo phận. Chủ đề: “Chúng tôi muốn gặp Đức Giêsu” (Gioan 12: 21).
- Năm 2005 (ngày 16-21/8/2005): Đại Hội Giới Trẻ thế giới tại Kohn, Đức quốc; số tham dự: 1,200,000. Đại hội lần này cách 3 năm kể từ Đại Hội Toronto, lại trùng vào năm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II qua đời, và bắt đầu triều đại của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, là người Đức. Chủ đề: “Chúng tôi đến bái lạy Người” (Mattheu 2:2).
- Năm 2006 (Ngày 9/4): Ở mỗi Giáo Phận. Chủ đề: “Lời Chúa là đèn soi bước chân tôi, và là ánh sáng dẫn lối cho tôi” (Thánh vịnh 119:105).
- Năm 2007 (Ngày 01/4): Ở cấp Giáo Phận. Chủ đề: “Như Cha đã yêu mến chúng con; chúng con cũng hãy yêu mến nhau” (Gioan 13:34).
- Năm 2008 (ngày 15-20/7): Đại Hội Giới Trẻ toàn thế giới tại Sydney (Australia), số người tham dự cũng rất đông, gần cả triệu người (Khách hành hương đến Úc nhiều nhất từ trước đến nay , hơn cả dịp Thế Vận Hội năm 2000). Chủ đề: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con; và chúng con sẽ là những chứng nhân của Thày”(Công Vụ Tông đồ 1:8).
- Năm 2011 (Ngày 16-21/8): Đại Hội Giới Trẻ tại Madrid.
WYD-Baner
World Youth Day, WYD.Madrid 2011

Chương trình chung cho Tuần Lễ Đại Hội Giới Trẻ Thế giới như sau:

Ngày Thứ Ba:
· Buổi Sáng: Đón chào quan khách và các bạn trẻ đến dự Đại Hội.
· Buổi Chiều: Thánh Lễ Khai Mạc và tiếp theo là các sinh hoạt riêng của mỗi Đoàn Thể và mỗi Nhóm Bạn Trẻ ở các nơi đến.
Ngày Thứ Tư đến Thứ Sáu:
· Buổi Sáng: Các Khóa Giáo Lý và các cuộc Hội thảo do các Đức Giám Mục và các Linh mục hướng dẫn.
· Buổi chiều: Các sinh hoạt vui chơi giải trí, các chương trình Văn nghệ, hòa nhạc, các cuộc thăm viếng.
· Buổi tối là các giờ Cầu nguyện, các nghi thức sám hối và ban Bí Tích Hòa giải. Các Thánh Lễ sẽ ở các địa điểm và các giờ khác nhau.
· Riêng tối Thứ Sáu có giờ Ngắm Đàng Thánh Gía Trọng Thể.
Thứ Bẩy:
· Buổi Sáng: Di chuyển đến địa điểm Canh Thức Cầu Nguyện.
· Buổi chiều: Canh Thức Cầu Nguyện và nghỉ qua đêm ngoài trời.
Chúa Nhật:
· Buổi Sáng: Thánh Lễ Bế mạc và Phép lành Tòa Thánh; sau đó loan báo thời gian và địa điểm sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế giới lần sau, và tiếp tục các sinh hoạt đến 5:00 giờ chiều.

Thực ra, mỗi Đại Hội Giới trẻ Thế giới khởi đầu ngay từ ngày Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ lần trước, khi Đức Giáo Hoàng trong Lễ Bế Mạc, trao cho các đại diện giới trẻ (của nước sẽ tổ chức Đại hội lần tới) “Thánh Giá Hành Hương” và các bạn trẻ này sẽ rước về quê hương mình và rước đi nhiều nơi trên đất nước của họ (đôi khi cũng rước qua các nước lân cận) trong suốt thời gian trước ngày khai mạc Đại hội.

Lần Bế mạc Năm Thánh Cứu Độ vào ngày 15/4/1984, khi lần đầu tiên trao Thánh giá cho Đai Diện Giới trẻ , Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhắn nhủ: “Các Bạn trẻ thân mến, khi bế mạc Năm Thánh này, Cha trao cho các con Dấu Chỉ của Năm Thánh: Thánh Giá Chúa Kitô! Các con hãy mang Thánh Giá này đi khắp thế giới như là biểu tượng của Tình yêu của Chúa Kitô cho nhân loại, và các con hãy loan truyền cho mọi người rằng: chỉ nơi Sự Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn Cứu độ và sự Giải thoát!” Rồi trong ngày Bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Tôrôntô (Canada), Ngài cũng nói với các bạn trẻ: “Cha muốn chính thức loan báo Ngày Giới Trẻ Thế Giới kế tiếp sẽ là vào năm 2005 tại Koln, Đức Quốc…Cuộc Hành Trình Thiêng liêng của chúng con đến thành phố Koln bắt đầu ngay từ ngày hôm nay. Chúa Kitô đợi chúng con tại đó…Vậy giờ đây chúng ta đang trên đường hướng tới thành phố Kohn, nơi sẽ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào tháng 8, 2005…” và vào phần cuối bài Nói chuyện này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “ Các Bạn trẻ thân mến, khi chúng con hướng về thành phố Kohn, thì Cha cũng đồng hành với chúng con trong kinh nguyện. Xin Mẹ Maria, người ‘phụ nữ của Thánh Thể’ và là Mẹ khôn ngoan, nâng đỡ chúng con trong cuộc hành trình, soi sáng cho chúng con những quyết định, và dạy chúng con biết yêu mến nhũng gì là Chân, Thiện, Mỹ. Xin Mẹ dẫn đưa tất cả chúng con đến với Con của Mẹ, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn những ước vọng thâm sâu nhất của tâm hồn con người. Cha chúc lành cho chúng con!”

Linh Mục Anphong Trần Đức Phương

http://www.gxnamlo.org/jl/tin1/tn2/430-wyd-dhgttg.html

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Ý nghĩa Lịch sử Nhà Thờ Nam Lỗ 1911-2011

NHÀ THỜ NAM LỖ
(1911-2011)

Không biết mảnh đất miền quê thân thương này hình thành một trại dân cư từ bao giờ. Cũng không biết rõ hạt giống Đức Tin gieo vào đây buổi đầu như thế nào.
Xa quá. Không ai ghi chép!
Nhà thờ Nam Lỗ 05/2011. Photo|jHr
Tiền nhân trong xứ kể lại rằng: lúc đầu có mấy anh em vùng mỏ Hòn Gai đến đây cư ngụ. Các ông đã làm một nhà để thờ ông thánh An-tong. Lúc đầu có 5 gia đình có Đạo. Sau một thời gian được12 gia đình. Ngôi nhà thờ thứ hai được làm nên. Nền Nhà thờ này sau làm nền Nhà Hội Quán, và nay là nền Đài Đức Mẹ.
Thời gian đắp đổi, hạt giống Đức Tin âm thầm mọc lên thế nào hôm nay chẳng ai hay biết. Chỉ biết rằng năm 1722, nơi đây đã hình thành một họ giáo. Họ Sổ thuộc về xứ Sa Cát.

Cũng như bao cộng đoàn họ đạo khác, họ Sổ trải qua biết bao thăng trầm. Khi bình an thịnh vượng, lúc gặp thử thách gian nan. Nhất là khi sự Đạo bị cấm cách bắt bớ, mà đỉnh cao là thời vua Tự Đức. Hàng trăm người con của họ giáo này bị phát lưu, tài sản bị tước đoạt, gia đình phải chia ly. Nhiều người đã được phúc Tử đạo. Trong số đó đã có 6 vị có đầy đủ hồ sơ đang được cứu xét để phong Chân phước. Đó là các Hiền phúc: Linh mục Vinhsơn Trí, Thầy Đaminh Chiêu, ông Vinhsơn Quỳnh, ông Đaminh Đệ, ông Phêrô Quân và ông Đaminh Đán.

Nhờ những hy sinh gian khổ của tiền nhân, nhất là máu đào của các Đấng Tử đạo đã đổ xuống mà cộng đoàn tín hữu nơi đây phát triển. Để một ngày kia, ngày 17-8-1908, Đức cha Trung đã chọn nơi này làm Nhà thờ mẹ của một Giáo xứ mới. Giáo xứ Nam Lỗ.

Nhà thờ Nam Lỗ 2008. Photo|AMY
Từ đây một trang sử mới được mở ra.
Cha xứ tiên khởi, cha Phêrô Nguyễn Ngọc Trứ, bắt đầu đến ở với Tân giáo xứ. Cha con bắt tay vào việc xây dựng Nhà Chúa. Ngôi Nhà thờ Giáo xứ được khởi công. Ban hàng xứ được thành lập. Ông Chánh Lựu làm chánh trương, ông trùm Phúc làm trùm họ, rồi đến ông trùm Thuân làm trùm chánh, ông trùm Hinh làm trùm phó. Các vị này chịu trách nhiệm đốc công trong việc xây cất nhà thờ.

Các cụ kể lại rằng: khi xây nhà thờ, họ Nhà xứ chia ra làm 4 giáp, đắp 4 lò gạch, dự tính đốt 60 vạn viên gạch và 18 vạn viên ngói. Lúc đó gạch ngói hoàn toàn đốt bằng rơm rạ. Ông trùm Hinh được giao trách nhiệm về việc làm gạch ngói. Ông trùm Thuân phụ trách chung. Các lò gạch này làm tại bờ sông, cách nhà thờ chừng 500m. Vận chuyển gạch về nhà thờ bằng sức người gồng gánh.
Khi gạch ngói đầy đủ thì tiến hành đào móng. Chiều dài móng nhà thờ 40m, chiều ngang 16m. Cát xây nhà thờ mua tại làng Quang Lang, huyện Tiền Hải. Vôi mua tại Quảng Ninh. Bồng đá và gỗ lim mua tại Thanh Hoá.

Ngôi nhà thờ được khánh thành năm 1911, với lối kiến trúc Á Đông rất vững chắc, hài hòa và giầu ý nghĩa.
Bốn mươi mét chiều dài, chia thành chín gian. Hai hàng cột, ba vòm cuốn vành mai. Bảy vì gỗ chạm trổ hoa văn. Bốn trùng tường, hai mái hiên quyện thông nhau qua gian tháp chuông như tiền sảnh cuối nhà thờ. Hai mái ngói trải rộng đến tận giọt gianh. Mặt tiền nhà thờ và tường xung quanh bên ngoài với những vòm cuốn và hoa văn, đường nét hài hòa tạo thành một tổng thể thống nhất.
Ngai tòa Nam Lỗ 2007. Photo|AMY
Phải chăng 40 mét của chiều dài nhà thờ nhắc nhớ tới con số 40 năm trong sa mạc của Dân Chúa ngày xưa. Chín gian lớn nhỏ, phải chăng gợi chín tầng trời theo cái nhìn của người Á Đông, chốn cửu trùng. Ba vòm cuốn trong lòng nhà thờ cũng nhiều ý nghĩa: Thiên Chúa Ba Ngôi, ba nhân đức đối thần Tin Cậy Mến hướng về và dành cho một mình Thiên Chúa. Bảy vì gỗ chạm trổ cũng không kém phần ý nghĩa. Con số 7 trong Kinh Thánh thật là đẹp: Bảy ngày trong chương trình tạo dựng, một tuần lễ 7 ngày. Bốn trùng tường tạo thành hai hàng hiên nối liền với nhau qua tiền sảnh như muốn nói lên: trong Chúa bốn bể đều là anh em, “tứ hải giai huynh đệ giã”. Gian tiền sảnh với một tháp chuông và 5 cửa rộng mở như muốn đón mời con cái Chúa từ khắp năm châu tiến vào Nhà Chúa. Mặt khác như muốn nhắc nhớ con cái Chúa từ Nhà Chúa ra về hãy đến với muôn dân. Gian tiền sảnh như một nhắc nhở sự chuẩn bị cho người vào Nhà Chúa: hãy chuẩn bị tâm hồn để vào gặp gỡ Thiên Chúa ngự nơi đây. Khi ra về cũng hãy nhớ bổn phận trong cuộc sống. Nhất là bổn phận LOAN BÁO TIN MỪNG. Ngọn tháp cửa nhà thờ như một ngọn núi vững chắc trong niềm tin hướng về trời cao. Sau cùng hai mái ngói trải rộng như một sự che chở từ trời cao, “như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”, như máng thông ơn trời xuống trần gian.

Nhà thờ này dâng kính Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa. Bốn chữ Hán Đại Tự: “THIÊN CHÚA THÁNH MẪU” trên vách vòm gian Cung Thánh nói lên điều đó. Trên vòm cửa chính Nhà Thờ có Biểu tượng Triều Thiên Đức Me. Phía dưới có câu Kinh Thánh bằng tiếng Latin, đại ý “Ngôi sao xuất hiện từ Nhà Giacob, Anh sáng của nó đã chiếu sáng khắp thế gian”.

Nhà thờ Nam Lỗ 2005. Photo|JosDung
Tuy nhiên, cùng với thời gian năm tháng, nội thất ngôi thánh đường dần dần được hoàn bị. Nhưng đồng thời cũng bị thay đổi một phần hình dạng và cấu trúc.
Bàn tòa ban đầu được làm bằng vôi vữa, đắp vào tường đầu nhà thờ. Thời cha Thôma Vũ Nguyên Sùng coi sóc (1929-1935) mới làm tòa, sắm tượng trong Nhà thờ.
Năm 1948, thời cha cố Đoàn, mua được 3 quả chuông và đóng ghế lim trong nhà thờ.
Năm 1990, cắt sửa gian thánh, làm hai mái hiên bê tông.
Năm 1994, Lát gạch men nền nhà thờ với sự hỗ trợ của Cố Vượng ở Úc.
Năm 1998, tháo dỡ hai bên hiên nhà thờ, cắt ngắn mái ngói và làm mái bê tông, bỏ một trùng tường, đưa cửa ra ngoài. Năm đó sơn son thiếp bạc các tòa trên cung thánh.
Năm 2001, đóng 20 ghế dài,
Năm 2003, sửa nền cung thánh,
Năm 2007, để chuẩn bị cho 100 năm thành lập Giáo xứ, đóng thêm 40 ghế mới.
Đầu năm 2008, làm Bàn lễ mới, tân trang phục chế vỏ áo nhà thờ. Vo tròn hai hàng cột bê tông bên trong nhà thờ.
Năm nay, 2011 kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà thờ, hoàn bị phần vòm, vách gian đầu cung Thánh.


Tháp chuông 2008.
Thoáng nhìn lại quá khứ, chúng ta thầm cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, cảm phục và tri ân các bậc tiền nhân, cảm ơn quý ân nhân qua mọi thời đại, người còn sống cũng như đã qua đời. Nguyện xin Chúa trả công bội hậu cho quý đấng bậc, các bậc tiền bối, quý ân nhân của chúng ta.
Ước mong dịp Đại phúc này, sẽ là cơ hội nhắc nhở con dân Nam Lỗ từ khắp mọi phương trời, luôn nhớ tới và bảo tồn gia sản quý giá này. Nhất là bảo toàn gia sản đức tin và tinh thần đạo đức mà cha ông đã để lại.

Hy vọng một ngày mai tương lai đầy hứa hẹn trên quê hương này. Amen!


(đang hoàn thiện)
Lm. Đaminh Nguyễn Văn Quát
Nam Lỗ, ngày 13 tháng 5 năm 2011


http://www.gxnamlo.org/jl/namlo/soluogxnamlo/395-ynghialsntnl.html